GIÁ CÀ PHÊ


Đẩy mạnh tín dụng tái canh cây cà phê (16/09/2014)

NHNN đang khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng phương án cho vay tái canh cây cà phê theo hướng có thể triển khai ngay việc cho vay tái canh tại từng địa phương đã công bố quy hoạch mà không cần chờ hoàn chỉnh quy hoạch tổng quát cho cả vùng của ngành.

Triển khai từ giữa năm 2013, chương trình tín dụng tái canh cây cà phê vẫn đang gặp nhiều vướng mắc khiến tốc độ giải ngân không như mong muốn. Mặc dù, từ cuối năm 2013, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc với phương án cho vay tái canh cây cà phê của NHNN, đồng thời giao Bộ NN&PTNT xây dựng và phê duyệt cụ thể quy hoạch diện tích, lộ trình thực hiện theo từng năm và từng địa bàn. Nhưng số liệu thống kê đến ngày 31/7/2014, cả hệ thống Agribank mới chỉ giải ngân được 390 tỷ đồng vốn tín dụng cho 2.958 khách hàng để tái canh 3.319 ha cà phê.

Như vậy, để có thể giải ngân được số tiền mà ngành Ngân hàng cam kết cho chương trình tái canh cây cà phê vay khoảng 10 nghìn tỷ đồng thì các bộ, ngành địa phương cần phải vào cuộc mạnh mẽ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao việc giải ngân lại chậm như vậy, nhất là khi chương trình được sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ và ngành Ngân hàng đã chủ động tham gia với quyết tâm cao. Đặc biệt, thông qua Agribank – ngân hàng gần gũi, thuận tiện cho bà con trồng cà phê – các khoản vay đã có mức lãi suất, thời gian cho vay và hoàn trả phù hợp với đặc thù của quy trình tái canh cây cà phê, bảo đảm người trồng cây cà phê có đủ nguồn vốn để tái canh cho đến khi có thu nhập từ cây cà phê mới.

Theo lý giải của các NHTM trên một số địa bàn trọng điểm về cà phê ở khu vực Tây Nguyên thì nguyên nhân chủ yếu là theo quy định của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sau khi phá bỏ, nông dân phải để đất trống từ 2 – 3 năm mới được trồng mới cây cà phê. Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn còn e ngại, chưa nhận thức rõ lợi ích lâu dài của việc tái canh cà phê nên không phải ai cũng mạnh dạn phá bỏ cây đang trồng, dù là già cỗi, lại để đất trống mấy năm… Hơn nữa, nhiều chủ vườn đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn các chương trình khác nên giờ không còn tài sản giá trị khác để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Trong chuyến công tác các tỉnh Tây Nguyên mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, ngân hàng phục vụ cho vay tái canh cây cà phê với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ tái canh cà phê, thậm chí thời hạn có thể lên tới 5-7 năm. Nhưng người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng bày tỏ lo lắng rằng tuy nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng việc giải ngân còn phụ thuộc công tác quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cũng như sự chuyển biến trong hành động thực tế của các cấp, các ngành có liên quan.

Thống đốc NHNN cho rằng, ngành Ngân hàng không thể biết vùng nào cần quy hoạch, trồng giống cà phê nào, trồng xen canh cây gì để bảo đảm người trồng cà phê vẫn có thu nhập nhất định trong quá trình tái canh.

Lo lắng với tiến độ tái canh cây cà phê, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ NN&PTNT khẩn trương phê duyệt quy hoạch diện tích, lộ trình thực hiện tái canh cây cà phê. Phó Thủ tướng đồng thời giao NHNN chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT cho vay tín dụng trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trước đó.

Theo đó, NHNN đang khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng phương án cho vay tái canh cây cà phê theo hướng có thể triển khai ngay việc cho vay tái canh tại từng địa phương đã công bố quy hoạch mà không cần chờ hoàn chỉnh quy hoạch tổng quát cho cả vùng của ngành. Vì vậy, tới đây bản đồ quy hoạch tái canh cây cà phê hình thành đến đâu thì vốn tín dụng ngân hàng sẽ “phủ“ đến đó.

Bởi lẽ, không chỉ nông dân mà cả cán bộ ngân hàng cũng đau đáu với triển vọng của cây cà phê Việt Nam.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: