GIÁ CÀ PHÊ


Chuyên gia nước ngoài 'hiến kế' nông dân Việt Nam không bị ép giá (6/11/2014)

Bên lề Hội thảo “Tích hợp trang trại quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua ký kết hợp đồng” do Viện Năng suất Việt Nam - Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) tổ chức trong các ngày từ 3 - 7/11/2014 tại Hà Nội, các chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và từ 23 nước thành viên APO đều cho rằng, trong xu hướng hội nhập hiện nay, người nông dân nói chung và người nông dân Việt Nam nói riêng cần phải hướng vào làm ăn có các cam kết, giao dịch hợp đồng. Việc giao dịch bằng các hợp đồng cũng đòi hỏi người nông dân phải có trách nhiệm và nỗ lực hơn. Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ không ép giá hoặc thu mua tùy tiện, gây nhũng nhiễu thị trường.

Theo TS. Carlos A.B.da Silva, vấn đề tích hợp trang trại quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua ký kết hợp đồng ở trên thế giới không phải là vấn đề mới nhưng nó lại rất mới đối với Việt Nam. Đặc biệt, người nông dân Việt Nam còn rất xa lạ với vấn đề ký kết hợp đồng, bán theo giao kèo, thỏa thuận. Người nông dân Việt Nam vẫn thường tự cung tự cấp, có sản phẩm là tự bán, chưa có nhiều nơi tổ chức được thành mạng lưới. Cũng chính vì thế mà họ luôn ở thế bị động và bị thương lái ép giá.

"Ký kết hợp đồng với người nông dân là hình thức bán hàng trực tiếp nhất để mà liên kết giữa nhà phân phối và nông dân, đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là phương thức rất hiệu quả, vì thông thường, làm ăn theo phương thức cũ, người nông dân sẽ bị ép giá và phải bán qua thương lái. Sản phẩm của người nông dân cũng vì thế khi đến tay người tiêu dùng bị đội giá bởi qua rất nhiều cầu. Điều này cũng có nghĩa, người tiêu dùng không mua được giá tốt mà người nông dân cũng không bán được giá cao. Khi đã ký kết hợp đồng sẽ giúp cho người nông dân cải thiện thu nhập, cải thiện sản xuất, kỹ thuật trong nông nghiệp", TS. Carlos A.B.da Silva nói.

Cũng theo TS. Carlos A.B.da Silva, ông là người Brazil, nước đứng số 1 ngành chăn nuôi thế giới, 75% các sản phẩm chăn nuôi được thực hiện theo phương thức ký kết hợp đồng. Brazil cũng có thế mạnh xuất khẩu được thực hiện bởi các doanh nghiệp lớn nhưng nguồn cung hàng xuất khẩu lại được lấy từ các hộ dân rất nhỏ. Các doanh nghiệp đầu mối thu mua cung cấp hết cho người nông dân kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi, thuốc men... còn người nông dân chỉ đầu tư công sức để làm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cũng chính vì thế mà thời gian qua, Brazil đã trở thành nước xuất khẩu rất cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hình thức giao kết hợp đồng này cũng giúp cho người nông dân chịu ít áp lực hơn và họ chỉ cần tập trung vào việc chăn nuôi cho tốt. Còn các vấn đề về tài chính, thu mua sản phẩm, đầu tư và tìm kiếm thị trường đã được công ty thu mua thực hiện.
http://vietq.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: