GIÁ CÀ PHÊ


Cao su rớt giá, người dân và doanh nghiệp ở Gia Lai vẫn bám trụ (06/03/2015)

Hiện nay, dù giá mủ cao su đã hạ từ hơn 100 triệu đồng xuống chỉ còn khoảng 30 triệu đồng/tấn... và ở một số nơi, nhiều người còn hoang mang chặt bỏ cây cao su, nhưng nhiều hộ dân và doanh nghiệp ở tỉnh Gia Lai vẫn quyết tâm bám trụ, áp dụng nhiều biện pháp để phát triển loại cây này.

Cây cao su là cây công nghiệp dài ngày, từ lúc trồng tới khi thu hoạch mủ phải mất từ 6 - 7 năm, chi phí đầu tư hơn 100 triệu đồng/ha. Vì vậy, nhiều người cho rằng, nếu trong thời điểm giá đi xuống này mà nôn nóng chặt bỏ cao su thì sẽ không có thời gian để bắt nhịp, khi giá mủ tăng trở lại.

Làng Plei Bông, xã A Yun, huyện Mang Yang (Gia Lai) có 185 hộ tham gia dự án trồng cây cao su tiểu điền của tỉnh Gia Lai. Trải qua 10 năm kiến thiết cơ bản, đến nay, 176 ha cao su ở đây đang cho thu hoạch mủ. Nhưng với giá cả hiện đang ở mức 10.000 đồng/1 ký mủ khô thì cứ đầu tư 1 triệu đồng mua phân bón, người dân Plei Bông sẽ bị lỗ từ 100.000 - 200.000 đồng. Trước tình hình đó, Hội Nông dân xã Ayun đã phải đến từng nhà để giải thích, thuyết phục người dân tiếp tục chăm sóc và giữ cây cao su, chờ giá mủ tăng trở lại.

Còn ở xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ (Gia Lai), chính quyền xã đã cử cán bộ nông nghiệp phối hợp với các già làng, những người uy tín trong thôn, làng vận động người dân không chặt phá cao su. Đồng thời, hướng dẫn người nông dân tập trung chăm sóc cây công nghiệp khác như điều, cà phê để đảm bảo thu nhập; tăng cường thâm canh cây lúa đảm bảo an ninh lương thực, chờ mủ cao su lên giá.

Ông Trần Xuân Nghiên, Phó Chủ tịch xã Ia Đơk bày tỏ: "Về diện tích cao su hiện tại của bà con thì chuyển sang tập trung chăm sóc diện tích cây khác như điều, cà phê, trồng cây hoa màu, đảm bảo an ninh lương thực. Thực hiện phương trâm lấy ngắn nuôi dài, giữ nguyên diện tích cao su".

Trong khi đó, nhiều công ty cao su ở Gia Lai lại coi lúc giá mủ xuống thấp là thời cơ để tái canh diện tích cao su. Ông Lê Văn Thành, Chánh Văn phòng Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang cho biết, từ đầu năm tới nay, Công ty đã chặt bỏ, trồng mới hơn 800 ha cao su già cỗi, cho chất lượng mủ kém. Nhằm giảm chi phí sản xuất, Công ty đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Thay vì trước kia 1 ngày cạo mủ 1 lần, nay 3 ngày mới cạo 1 lần; giảm 50% lượng phân bón, nhằm duy trì vườn cây; giảm lương nhân viên khối gián tiếp, tinh giản biên chế,...

Ông Lê Văn Lịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai chia sẻ: "Tỉnh Gia Lai, cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có chủ trương, biện pháp tuyên truyền với nhân dân để làm sao giữ được diện tích cao su. Khuyến cáo người nông dân không nên bỏ hoang vườn cây, nên chăm sóc, đầu tư, quản lý vườn cây, khai thác hạn chế lại để duy trì vườn cây. Vì cây này là cây đa niên, chu kỳ từ kiến thiết cơ bản tới chu kỳ kinh doanh là chu kỳ dài khoảng 25 - 27 năm, nên sau này muốn khôi phục vườn cây rất khó. Sở khuyến cáo người nông dân làm sao giữ được cây cao su".


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: