GIÁ CÀ PHÊ


Robusta Việt thắng lớn (20/11/2014)

Cơ hội để cà phê Robusta của Việt Nam khẳng định vai trò thống lĩnh và chi phối thị trường cà phê toàn cầu, theo các chuyên gia, để làm được điều này không dễ. Bởi hầu hết các nhà xuất khẩu cà phê trong nước không đủ năng lực tài chính dự trữ hàng hóa, tạo sự kìm hãm về sản lượng xuất khẩu để đạt mục tiêu làm chủ giá bán trên thị trường.

Ông Trần Quang Đính, Giám đốc Công ty Xuất khẩu cà phê 331 (thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam) đang khá ung dung với tình hình kinh doanh năm nay. Đầu tháng này, công ty đã chốt được một số hợp đồng xuất khẩu giá tốt. “Đến thời điểm này, có thể khẳng định 2014 là năm thành công của DN và ngành cà phê Việt Nam”, ông Đính chia sẻ.
Tổ chức Cà phê Quốc tế khẳng định, giá cà phê thời gian tới bắt buộc phải lên

Năm nay, mức giá thu mua cà phê trong nước không có biến động mạnh nên giúp các DN xuất khẩu cà phê trong nước tránh được rủi ro về giá đầu vào. Cùng đó, giá cà phê thế giới có chiều hướng tăng nên DN xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn so với những năm trước. Yếu tố này đã khuyến khích các DN đẩy mạnh xuất khẩu.

Mức tăng trưởng hơn 37% về khối lượng và 33,5% về kim ngạch của cà phê xuất khẩu Việt Nam 10 tháng qua cũng khẳng định bức tranh tươi sáng của nông sản này trong năm 2014. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho hay, niên vụ cà phê 2013 - 2014 vừa qua thắng lợi trên mọi mặt: sản lượng cà phê tăng; giá trị xuất khẩu lớn; thị phần tại các thị trường chính cải thiện; hầu hết các DN đều đạt mục tiêu kinh doanh đề ra; nông dân bán được giá tốt...

Năm nay, giá cà phê nông dân bán ra luôn ở mức trên 35 triệu đồng/tấn, thậm chí có thời gian dài giá cà phê trên 40 triệu đồng/tấn.

Để có được kết quả khả quan đó, các chuyên gia cho rằng, việc bãi bỏ thuế VAT đã tạo ra mặt bằng kinh doanh bình đẳng, không lo chuyện DN trốn thuế để cạnh tranh không lành mạnh như trước đây. Cùng với đó, từ đầu năm 2014 mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng liên tục giảm, chỉ còn dao động 6 - 7%/năm đã tạo thuận lợi cho cả DN và nông dân trồng cà phê…

Nhận định về thị trường cà phê trong năm tới, các chuyên gia cho rằng, cà phê Việt Nam đang có nhiều lợi thế. Bởi nước đứng đầu về sản lượng cà phê Arabica toàn cầu là Brazil đang đối mặt tình trạng mất mùa do thiếu mưa nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê. Bên cạnh đó, Brazil cũng phải đối mặt với tình trạng nhiều diện tích cà phê bị thối rễ, sản lượng thu hoạch dự báo sẽ rất thấp. Vì thế, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) khẳng định, giá cà phê thời gian tới bắt buộc phải lên.

Nhận định về dự báo này, ông Trần Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc CTCP Xuất khẩu cà phê Đức Nguyên cho rằng, đây là cơ hội cho cà phê Robusta của Việt Nam thống lĩnh thị trường. Hiện nay, Việt Nam chiếm 60% sản lượng Robusta xuất khẩu toàn cầu. Triển vọng này sẽ tạo ra cú hích về giá bán trong niên vụ 2014-2015 cho cà phê Việt Nam; đồng thời nâng tầm ảnh hưởng của cà phê Việt Nam trên trường thế giới…

Bởi một khi cà phê Arabica thiếu, chắc chắn cà phê Robusta được sử dụng pha trộn nhiều hơn để đáp ứng tiêu dùng. Đây là thời điểm để giá Robusta tăng lên.

Đồng quan điểm này, ông Trần Quang Đính cho hay, từ đầu năm 2014 tới nay, giá cà phê Arabica tăng gần gấp đôi. Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2014 trên thị trường Mỹ có thời điểm lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2012 là 2.208 USD/pound, tương đương trên 4.800 USD/tấn. Lý do chủ yếu dẫn tới sự tăng giá được ông Đính lý giải, do nguồn cung giảm, giá cả phải tăng lên khi cung không đáp ứng được cầu.

Bởi hiện tại, nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu vẫn tiếp tục đà tăng. Một trong những nước tiêu thụ cà phê có mức tăng nhanh nhất hiện nay là Trung Quốc. Thị trường Nhật Bản có mức tăng tiêu thụ cà phê khá mạnh và hiện đứng thứ ba thế giới về tiêu thụ cà phê sau Mỹ và Đức.

Về cơ hội để cà phê Robusta của Việt Nam khẳng định vai trò thống lĩnh và chi phối thị trường cà phê toàn cầu, theo các chuyên gia, để làm được điều này không dễ. Bởi hầu hết các nhà xuất khẩu cà phê trong nước không đủ năng lực tài chính dự trữ hàng hóa, tạo sự kìm hãm về sản lượng xuất khẩu để đạt mục tiêu làm chủ giá bán trên thị trường. Vì thế, Nhà nước cần nguyên cứu, có chính sách phù hợp để xây dựng ngành cà phê phát triển ổn định và bền vững, phát huy được vai trò là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu hiện nay.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: