GIÁ CÀ PHÊ


Vì sao cho vay tái canh cây cà phê vẫn chậm? (21/03/2014)

Chương trình cho vay tái canh cây cà phê giai đoạn 2013 - 2015, với gói tín dụng 12.500 tỷ đồng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường 2%, được khởi động từ tháng 5/2013, nhưng đến nay vẫn chỉ  nhích được chút ít.

Tại Đăk Lăk - thủ phủ cà phê Tây Nguyên, ông Tăng Hải Châu, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết, đến tháng 3/2014, Agribank tỉnh mới giải ngân được trên 100 tỷ đồng, trong tổng mức 3.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ tái canh cây cà phê đã cam kết. Mặc dù nguồn vốn cho vay tái canh cà phê đã sẵn sàng, nhưng tiến độ giải ngân còn rất chậm, là do dự án tái canh không đảm bảo yêu cầu tín dụng.

Nguyên nhân giải ngân chậm, theo ông Châu, là do phía ngành cà phê, nhất là lãnh đạo địa phương, tuy đặt ra nhiệm vụ đúng đắn là tái canh lần này phải thực hiện cho được yêu cầu quy hoạch lại, sao cho số diện tích tái canh bảo đảm chất lượng đất trồng thích hợp, giống cây tốt, điều kiện sinh thái phù hợp, đặc biệt phải đủ nước tưới… nhưng lại chưa lượng định hết những khó khăn của công việc tái canh chưa có tiền lệ này từ phía người thực hiện, đặc biệt là với hộ gia đình làm cà phê.

Trước tiên là vấn đề quy hoạch lại diện tích. Như ở Đăk Lăk, 85% diện tích cà phê hiện tại đều thuộc hộ gia đình. Riêng điều tra của Đăk Lăk đã cho thấy, có khoảng 40.000 ha cà phê hộ không phù hợp với điều kiện sinh thái, phải chuyển đổi cây trồng khác, hiệu quả hơn. Cà phê ở Đăk Lăk sau giải phóng (1975) mới có khoảng 7.000 ha, thì nay đã có trên 202.000 ha.

Trải qua các chu kỳ khai thác, đã có đủ cơ sở nhận biết vườn cây nào cần chuyển đổi, vườn cây nào nên tái canh. Nhưng, quy hoạch trên giấy, có thành quy hoạch cụ thể ngoài vườn, thành dự án tái canh để ngân hàng lấy làm căn cứ cho vay hay không lại là chuyện khác. Với diện tích thuộc DN thì dễ, khó là diện tích của hộ gia đình. Đây vẫn là một bài toán cực kỳ khó giải, vì không phải vấn đề kỹ thuật, hay mục tiêu phát triển ổn định lâu dài, mà là vấn đề đời sống trước mắt của bà con trong thời gian tái canh cà phê, từ 1 đến 3 năm tới.

Các hộ làm cà phê cho biết, mấy chục năm nay cả nhà sống nhờ cà phê, thu nhập cũng không đủ nhiều để tích lũy, phòng xa. Nay theo hướng dẫn kỹ thuật của Vinacafe, gia đình chặt cà phê già cỗi trồng mới thì dễ, nhưng khó là trong mấy năm cà phê chưa cho thu, thì cả nhà sống bằng gì?

Đó là chưa nói ngân hàng chỉ cho vay tối đa 80% vốn chi phí tái canh, nên hộ càng khó khăn khi vừa phải bảo đảm cuộc sống, vừa phải lo 20% chi phí không được vay. Phần đông số hộ làm tái canh đề nghị được vay thêm vốn ưu đãi lãi suất thấp chuyển sang đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt lúa màu… để canh tác chen canh trên diện tích cà phê tái canh.

Nhiều nơi còn đề nghị Chính phủ có thể tài trợ tín dụng để “hỗ trợ tái canh cà phê”, với lãi suất 0% trong 3 năm nhằm giúp hộ làm tái canh ổn định cuộc sống, trong thời gian cà phê tái canh chưa cho thu hoạch. Một yêu cầu nữa của các hộ dân là đề nghị Chính phủ thông qua kỹ thuật tuyển chọn của Vinacafe để tài trợ cho người trồng, đảm bảo yêu cầu đồng bộ về chất lượng.

Đồng thời, riêng với các hộ có diện tích cần chuyển đổi sang cây trồng khác, do làm cà phê không phù hợp nữa, cũng kiến nghị cần được cho vay ưu đãi, như với chế độ cho vay tái canh. Rất nhiều hộ có diện tích cà phê năng suất quá thấp do đất, nước không phù hợp với cây cà phê, vẫn ngóng chờ động thái này từ chủ trương chính sách, để đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi.

Theo ông Châu, về lâu dài số diện tích có năng suất thấp, hậu quả của “phong trào nhà nhà làm cà phê”, cũng sẽ được chuyển đổi. Nhưng nếu chính sách chưa “gánh” được những yêu cầu trên thì chưa biết đến bao giờ việc tái canh cà phê mới triển khai được rộng khắp...

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, do diện tích cần tái canh nhiều nên năng suất giảm nghiêm trọng. Cụ thể niên vụ 2012 – 2013 sản lượng cà phê Việt Nam đã giảm 25% so với niên vụ trước, và niên vụ 2014 – 2015 này sẽ còn giảm đến 30% nữa. Để nhanh chóng ổn định về sản lượng, đặc biệt là về chất lượng theo yêu cầu hội nhập quốc tế, thì tái canh rất cần thực hiện theo lộ trình với một tiến độ không phải như “rùa bò” hiện nay.

Ama Linh - thoibaonganhang


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: