GIÁ CÀ PHÊ


Giá hạt tiêu giảm manh

Giá hạt tiêu giao dịch trên sàn Kochi Ấn Độ phiên chốt tuần vừa qua vẫn giữ sự tăng trưởng mạnh cho các hợp đồng của tháng 6 và 7. Tính chung trong vòng 1 tuần kỳ hạn tháng 6 tăng 371 Rupi/tạ và kỳ hạn tháng 7 tăng 169 Rupi/tạ, tương đương tăng 83 USD/tấn và 38 USD/tấn.

Giá tiêu đen chưa phân loại của Ấn Độ ở vùng Karnataka được chào bán ở mức 27.700 Rupi/tạ, tương đương 6.240 USD/tấn. Loại tiêu chất lượng cao giao dịch ở mức 28,400-28,900 Rupi/tạ, tương đương 6.400-6.520 USD/tấn

Trên thị trường quốc tế, tiêu đặc chủng Ấn Độ loại MG1, được chào giá 6.900 USD/tấn (C&F). Loại hạt tiêu đen Brazil-ASTA có giá 6.400 USD/tấn, Brazil 1 có giá 6.200 USD/tấn và Brazil 2 có giá 6.100 USD/tấn.

Nhìn chung, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng mà chưa thấy có dấu hiệu dừng lại. Lý do được cho là từ sự mất cân đối cung cầu nghiêm trọng. Nhu cầu hạt tiêu thế giới chỉ trông đợi vào Việt Nam và Ấn Độ.

Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) dự kiến sản lượng hạt tiêu năm nay của Ấn Độ vào khoảng 48.000 tấn, giảm nhẹ 2.000 tấn so với năm 2010.

Hãng tin Reuters cho rằng sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ sẽ giảm từ 55.000 tấn của năm ngoái xuống còn 40.000 tấn cho năm nay và chủ yếu để tiêu thụ nội địa, chỉ có khoảng 10.000 tấn dành cho xuất khẩu.

Ấn Độ cũng là một trong những nước nhập khẩu khá lớn hạt tiêu thế giới, mỗi năm nhập khẩu khoảng 20.000-30.000 tấn để chế biến và tái xuất.

Trong khi đó giá tiêu xô của Việt Nam tại Bà Rịa-Vũng Tàu có giá 104.000-105.000 đồng/kg, giảm bình quân 5.000 đồng/kg ( 5 triệu đồng/tấn) so với tuần trước.

Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm nhẹ. Loại tiêu đen 500 Gr/l chào giá 5.200 USD/tấn, loại tiêu đen 550 Gr/l chào giá 5.500 USD/tấn, tiêu trắng chào giá 7.900 USD/tấn, giảm bình quân các loại 100 USD/tấn.

Thông tin còn cho biết mức giá này có duy trì được hay không tùy thuộc vào thị trường Brazil và Indonesia khi các nước này sắp vào mùa thu hoạch.

Những báo cáo thị trường gần đây cho biết, Việt Nam chỉ mới có khoảng 42.000 tấn, chiếm 35% sản lượng của vụ mùa năm nay, được đưa ra thị trường xuất khẩu. Số còn lại nằm trong các kho dự trữ nông sản và trong nhà nông dân. Ấn Độ cũng chỉ mới xuất bán khoảng 20% vụ mùa của họ.

Các nhà nhập khẩu trên thế giới hiện đang tập trung chú ý vào hạt tiêu Việt Nam vì giá có khuynh hướng giảm trong thời gian gần đây.

Tại Việt Nam lãi suất vốn vay vẫn cao do Chính phủ đang cố gắng kiềm chế lạm phát cũng như kiềm chế tỷ giá ngoại tệ, điều này đang tác động lên giá cả các loại hàng hóa của thị trường nội địa. Nhiều nhà đầu cơ hạt tiêu trong nước đang rất lo sợ, họ băn khoăn có nên bán ở mức giá hiện nay hay tiếp tục cầm hàng chờ đợi giá khả quan hơn nữa.

Theo Bộ NN&PTNT VN, 90% hàng nông sản của nước ta được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc chỉ mới sơ chế, giá cả thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước từ 5 – 10%. Vì thế Bộ đang dự thảo đề án “Nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp”. Đây là mục tiêu để giúp các ngành hàng nông sản nước ta sẽ có mức tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong 10 năm tới, hạn chế xuất thô như hiện nay.

(Cafef)
Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 02 Tháng 6 2011 20:58