GIÁ CÀ PHÊ


Biến động tỷ giá ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu cà phê ? (21/04/2015)

Biến động tỷ giá gần đây đã tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu cà phê.

Thực tế cho thấy, đa số các nước xuất khẩu cà phê như Việt Nam thường giao dịch thương mại bằng đồng USD, khi đồng USD tăng giá mạnh thì sản phẩm cà phê xuất khẩu phải đứng trước áp lực giảm giá là không tránh khỏi.

Qua theo dõi giá cà phê kỳ hạn trên 2 sàn dễ nhận thấy rõ điều đó. Đặc biệt, giá cà phê Robusta giao dịch tại London liên tục giảm giá và giá cà phê giao kỳ hạn tháng 07/2015 tại sàn này hiện ở mức 1.829 usd/tấn.

Thật ra thì khi đồng USD tăng cao so với VNĐ giúp cho DN thu được chút lợi nhuận về chênh lệch tỷ giá, tuy nhiên lợi nhuận nhỏ ấy không thể bù đắp với giá cà phê trên thị trường thế giới xuống thấp.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nếu quý I-2014, xuất khẩu cà phê đạt gần 700 nghìn tấn thì quý I-2015 con số này chỉ còn một nửa (giảm 50%), trên dưới 350 nghìn tấn, trong khi giá cà phê đang ở thời điểm thấp nhất trong 12 tháng qua.

Bên cạnh việc giảm giá thành thì một yếu tố khác cũng ảnh hưởng lớn đến cà phê là việc nhu cầu bị "teo" lại do một số đồng tiền khác như đồng yên Nhật (JPY), đồng Euro (EUR) liên tục mất giá so với đồng USD nên các công ty ở Việt Nam buộc phải giảm giá bán.

Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam (nhập tới 38% lượng cà phê của Việt Nam) nên các DN có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang EU đều bị ảnh hưởng do người dân khu vực này thắt chặt chi tiêu, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm.

Không chỉ cà phê, theo số liệu của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm cũng giảm 13,2% và tốc độ tăng trưởng của ngành lùi về con số 2,14% thay vì mức 2,68% của cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là con số giảm bất thường và nguyên nhân chủ yếu được cho là liên quan tới sự sụt giảm giá trị đồng tiền của các thị trường nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam.

Trước những khó khăn trên, nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có sự điều chỉnh biên độ tỷ giá, tuy nhiên, NHNN khẳng định, năm nay, cơ quan này vẫn giữ mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2% và sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đã đề ra từ đầu năm.

NHNN sẽ chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ cũng như các biện pháp cần thiết để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, cần phải biết rằng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản luôn được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế. Từ các ngành hàng này, mang về một khoản ngoại tệ lớn, do vậy, việc neo tiền đồng theo USD trong khi USD lên giá sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh vì giá xuất khẩu đắt hơn so với các đồng tiền khác.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: