GIÁ CÀ PHÊ


Thiếu vốn chế biến cà phê (09/12/2014)

DN nào cũng bức bách về vốn dài hạn để đầu tư chế biến. Việc đầu tư chế biến, sản xuất, xây dựng các thương hiệu nông sản thường kéo dài cả chục năm mới có kết quả. Vì thế, phía DN cần phải kết hợp nhiều mảng miếng mới có thể chứng minh được với các NH về sức khỏe tài chính và phương án, kết quả kinh doanh.

Tại Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2013-2014 diễn ra cuối tuần qua (ngày 5/12) tại TP. Hồ Chí Minh, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc CTCP Intimex cho biết, sau một thời gian dài chú trọng vào xuất khẩu cà phê nhân, lợi nhuận của các DN bị chững lại do thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn về chất lượng. Để gia tăng lợi nhuận và chuyển hướng chiến lược, các DN cà phê trong nước đã bắt đầu tập trung đầu tư nhiều hơn vào chế biến cà phê bột và cà phê hòa tan.

Thực tế cho thấy, từ 2012 đến nay, mỗi năm doanh thu các mặt hàng cà phê bột và cà phê hòa tan tại thị trường nội địa ước khoảng 600 triệu USD. Hiện tổng sản lượng cà phê bột, cà phê hoà tan cả nước chỉ đạt khoảng 80.000 tấn/năm.

Nếu chia bình quân đầu người thì trung bình mỗi người Việt Nam cũng chỉ mới sử dụng khoảng 0,7 kg cà phê/năm. Các tính toán cho thấy, nếu 50% lượng cà phê nhân trong nước được chế biến thành các sản phẩm cà phê bột, cà phê hoà tan và bán với giá thấp nhất là 5.000 đồng/ly thì ngành cà phê sẽ có thể thu về trên 300.000 tỷ đồng/năm (tương đương 15 tỷ USD) ngay tại thị trường nội địa.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại Thành Phát, các DN cà phê trong nước không dễ dàng để chuyển mạnh sang sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan bởi đầu tư vào lĩnh vực này luôn cần nguồn vốn rất lớn. Thông thường, nếu đầu tư nhà máy cà phê hòa tan công suất 4 triệu tấn thì sẽ tốn khoảng 40 triệu USD và DN chỉ có thể thu lại được lợi nhuận khi đã xây dựng thành công thương hiệu, thường phải mất hàng chục năm.

“Hiện chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến cà phê công suất 1.000 kg/giờ tại Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Để phát triển dây chuyền sản xuất này, công ty sẽ có nhu cầu vay khoảng 100-200 triệu USD với thời hạn 7-9 năm. Công ty đã huy động được 30% vốn từ cổ đông. Tuy nhiên, hiện mới chỉ vay được khoảng 50 tỷ đồng từ các NH trên địa bàn Tây Nguyên. Vì vậy, nhu cầu vốn đang rất bức bách”, ông Nam nói.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hòa Chính, Giám đốc Công ty Cà phê Đắk Hà cho hay, hiện DN này đang đầu tư mạnh vào thương hiệu Cà phê hòa tan Đắk Hà theo cách thức xây dựng thương hiệu vùng miền. Mặc dù được chính quyền địa phương và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) hỗ trợ về mặt pháp lý và một số chi phí xây dựng thương hiệu, công ty vẫn cần một nguồn tài chính cực lớn và lâu dài để có thể mở rộng thị trường.

Theo tính toán của ông Chính, trung bình 1 tấn cà phê bột tinh sẽ làm ra được 5 tấn cà phê hòa tan, chi phí để sản xuất 1 tấn cà phê bột tinh khoảng 200 triệu đồng; chi phí làm chỉ dẫn địa lý hết khoảng 4 tỷ đồng, chưa kể các chi phí quảng cáo và mở rộng mạng lưới phân phối. Chính vì vậy, để duy trì sản phẩm cà phê hòa tan Đắk Hà tại thị trường nội địa công ty cần phải có nguồn vốn khoảng 1 tỷ đồng luân chuyển, nếu muốn xuất khẩu sản phẩm này thì nguồn vốn phải luôn có sẵn khoảng 3 tỷ đồng.

Trao đổi với TBNH về vấn đề này, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho hay, DN nào cũng bức bách về vốn dài hạn để đầu tư chế biến. Tuy nhiên, nếu Chính phủ và các địa phương chỉ hỗ trợ DN bằng các chính sách vay ưu đãi lãi suất thuần túy thì cũng khó đạt được hiệu quả. Bởi việc đầu tư chế biến, sản xuất, xây dựng các thương hiệu nông sản thường kéo dài cả chục năm mới có kết quả.

Trong thời gian đầu hầu như DN phải chấp nhận chịu lỗ, thậm chí xác định chiến lược lỗ nhiều năm trước khi hòa vốn. Vì thế, phía DN cần phải kết hợp nhiều mảng miếng mới có thể chứng minh được với các NH về sức khỏe tài chính và phương án, kết quả kinh doanh.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: